Gió lùa qua hốc mắt
Jan 9, 2010
Chuyện là, một sáng ngày mùa đông nọ, ngồi lướt web và tình cờ thấy cái định nghĩa này:
"Hốc mắt là một hốc xương hình tháp, đỉnh hướng về phía sau, đáy mở rộng ra phía trước do xương sọ và các xương mặt cấu tạo nên".
Cứ giả vờ thôi, là trong hốc mắt có một mảnh sụn nhỏ tí, vẫn hàng ngày cần mẫn làm cái việc là che chắn khoảng trống giữa mắt và thế giới đầy ánh sáng bên ngoài. Cứ thế, ngày qua ngày. Rồi đến một hôm...
Thường thì cái cụm từ "rồi đến một hôm" dùng để dẫn đến một điều gí đó mang hơi hướm bất ngờ. Cá nhân tôi rất thích cụm từ này, vì tôi luôn thích những điều mới mẻ, cho dù nó có mang sắc thái thế nào đi chăng nữa. Nhưng mà thôi, đấy là một câu chuyện khác, tôi sẽ kể vào một ngày mùa đông khác. Có lẽ là một ngày nhiều nắng hơn.
Quay lại với cái mảnh sụn nhỏ chăm chỉ ở trên nhé
... Rồi đến một hôm, mảnh sụn đó quyết định rằng nó đã làm công việc đó đủ lâu rồi. Thế nên nó quyết định sẽ rơi ra khỏi cái hốc mắt và lên đường đi chu du thiên hạ. Từ đó mà câu chuyện về "cuộc phiêu lưu của sụn hốc mắt" ra đời. Đây, lại là một câu chuyện nữa, tôi sẽ kể vào một dịp khác. Một đêm mùa đông dài miên man với bóng tối và giá rét bao trùm chẳng hạn. Còn trong một sáng mùa đông như bao mùa đông khác thế này, tự nhiên tôi chỉ có ý thích nói về cái hốc mắt. Tất nhiên, một cái hốc mắt khi đã mất đi cái mảnh sụn bé tí ti kia.
Vốn dĩ, hốc mắt hoàn toàn yên ổn, cho đến khi cái mảnh sụn bé xíu kia rơi ra. Ấy là khi, những thằng gió lang thang tha hồ lùa qua hốc mắt. Từng luồng hơi lạnh cứ thốc vào cái khoảng khe hẹp ấy suốt ngày đêm, khiến hốc mắt không thể nhìn thấy gì từ cái thế giới đầy màu và âm thanh vui tươi bên ngoài. Thì ra, thiếu cái mảnh sụn nhỏ bé, mắt luôn phải nhắm lại. Để tránh cho gió không lùa qua hốc mắt.
Monday, November 01, 2010
Hoài
Jan 10, 2010
Một sáng vào đông. Em cười lí lách khi thấy anh so vai trong chiếc áo khoác mỏng giữa trời đông xứ Bắc. Sẽ không sao đâu anh, chút gió lạnh đầu mùa đó mà. Để em nắm tay anh nhé, cho chút hơi ấm truyền qua. Và em sẽ dẫn anh đi qua những ký ức tuổi thơ em Hà Nội.
Con phố già với thành xiêu vách đổ. Là những năm tháng học trò em đạp xe buổi sớm đến trường. Là những sáng tinh sương em lặng người nghe mùi hương bưởi từ phía bên kia bờ tường dài dần len lỏi vào trong đám bụi nước nhỏ li ti. Một cơn mưa không nhìn thấy. Chỉ ướt. Cuối con đường này đây, rồi em sẽ dẫn anh đi tới con ngõ nhỏ có chiếc cổng sắt sơn màu han gỉ rêu phong. Để cùng ngồi dưới tán cây lá lòe xòe tim tím những nụ hoa khế và lại xuýt xoa bên bát cháo sườn thơm phức. Bà cụ già bán hàng quà sáng tóc bạc trắng thời gian, cười mỏm mẻm vì những chiếc túi mỏng lép kẹp vài tờ giấy bạc của lũ học trò nên bao giờ cũng múc thêm cho nhiều hơn chút ít.
Mắt anh hồ nghi. Bao năm rồi mà thành quách vẫn phủ bạt nằm chờ cho thời gian mối mọt ăn mòn thế này sao em? Chiếc cổng sắt cũ giờ đã được thay bằng lớp cửa kính loang loáng phản chiếu nụ cười em héo hắt.
Đường xưa giờ đã khác nhiều rồi mà anh!
Rồi em nắm tay anh đi về lại nơi mái trường thâm nghiêm nằm bên hồ Gươm lộng gió. Là sân trường này đây anh, nơi chúng em truyền tay nhau bức thư làm quen tinh khôi tà áo trắng. Là nơi em len lén nhận gói xôi thơm mùi gạo mới và ấm áp tình bạn thủa học trò. Anh nghe không, vẳng trong không gian là những tiếng cười trong hơn cả nắng sớm mai.
Miệng anh ấp úng. Em này, đâu rồi khoảng sân trường rộng với những tán cây xà cừ che mát cả một thời em cắp sách đến trường? Bước nhè nhẹ thôi em, bởi anh nghe thấy tiếng cót két của đám mọt già vẫn ngày đêm cần mẫn gặm nhấm những bậc thang gỗ ốm yếu dẫn lên căn phòng nơi cuối hành lang em học.
Em cúi mặt di di mãi đôi bàn chân trên chiếc lá vàng nào rụng rơi không nói.
Trường xưa giờ đã khác nhiều rồi mà anh!
Em im lặng ngồi sau xe để anh chở em qua con phố với lác đác vài gốc hoa sữa trong một bài hát nào xa xôi. Nhìn theo tay em anh nhé. Anh sẽ thấy nơi góc phố khuất là bờ hiên một chiều mưa của nhiều năm về trước, nơi hai đứa bạn hỉ hả vì tìm thấy chỗ trú chân cho khỏi ướt chiếc băng hình ca nhạc yêu thích vừa lùng tìm mua được. Áp chặt chiếc đĩa nhạc vào ngực, em thấy giá rét của cơn mưa dừng chân lại ngay trước ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của bạn nhỏ em ngày nào.
Anh gõ đầu em khe khẽ. Em ngốc của anh giờ chỉ cách cả kho tàng âm nhạc khắp nơi trên thế giới bằng một phím gõ máy tính mà thôi.
Mắt em nhuộm màu chiều, chân líu ríu theo anh về lại quãng thời gian của hai mươi mấy năm trước đây em sống. Là sáng mùa hè mát lành gió mới em chạy ra xem khóm hoa nhài đã xòe nụ đêm qua. Là trưa mùa thu hanh hao nắng em ngồi ghi đông xe đạp theo cha đi đổi tem phiếu lấy can dầu khét mùi khói đốt. Là chiều đông trèo cây hái trộm những nụ táo bé liu xiu vừa kịp nhú để rồi bị đuổi bắt chạy quên cả đôi dép nhựa mới mẹ mua. Là đêm xuân lũ nhóc chúng em hú hét cười giòn tan theo tiếng pháo cối nổ đì đoàng xanh đêm Hà Nội.
Là gì nữa, anh biết không? Là một thời thật khác với những ngày này, anh ạ!
Áo xanh
Jan 21, 2010
Chiếc máy bay ầm ì cất cánh. Phía bên dưới, vùng ngoại ô thành phố chỉ còn là những đốm sáng rời rạc nằm thoi thóp trong bóng tối nặng dần. Trong khoang hành khách, đèn chiếu sáng được giảm cường độ sau lời thông báo của người tiếp viên trưởng khiến cho bầu không khí chật chội của những hàng ghế nêm kín người trở nên dịu bớt.
Chàng thanh niên trẻ tên Lam ở hàng ghế 25C khẽ cựa mình. Chiếc áo khoác da với hàng khuy cài ngay ngắn biến thành một lớp vỏ bọc ngột ngạt lỗi thời. Cảm giác về sự chênh lệch áp suất với bên ngoài đột ngột trở nên rõ rệt bằng sự gia tăng của hàng ngàn chiếc kim nhọn dệt bằng không khí xuyên thủng qua màng tai mảnh. Trong phút chốc Lam gờn gợn thấy dưới làn da đầu mỏng, từng khối lỏng huyết cầu đang rời bỏ những nếp xoắn não ngoằn ngoèo, xô dịch mỗi lúc một nhanh hơn về phía trái lồng ngực. Tựa như khi nó xuất hiện, trạng thái này đột ngột chấm dứt cùng với tiếng “ting” của đèn báo hiệu ổn định độ cao và ánh sáng được điều hòa trở lại choán đầy không gian. Khoang chứa được lấp kín dần bởi tiếng người bắt đầu cười nói rì rầm, tiếng thở ra nhẹ nhõm và tiếng lách cách bật khóa an toàn. Lam để mặc cho tất cả những âm thanh này dội ngược vào tâm trí mình một khoảng thời gian để làm quen với ánh sáng rồi khẽ khàng mở mắt.
Cạnh anh, người con gái mặc áo xanh vẫn chưa thôi nắm chặt tay vào thành tựa, hai mí mắt rộng khép hờ. Dư vị của sự căng thẳng mà lần cất cánh vừa rồi để lại có thể dễ dàng nhìn thấy qua cánh mũi xanh tái hơi phập phồng. Mớ tóc trước trán lòa xòa, khẽ lay động theo từng nhịp thở. Một chiếc hộp gỗ nhỏ sơn màu cũ kĩ để lơ đễnh trong lòng. Nhìn từ góc nghiêng này, khuôn mặt cô gái khiến Lam chợt nhớ đến một bộ phim Trung Quốc anh đã từng xem. Bộ phim mở đầu với cảnh quay một thiếu nữ dương hai cẳng tay gầy guộc úp chặt vào tai, quay mòng mòng giữa khu phố đổ nát ầm oàng tiếng máy kéo đổ sập những bức tường xanh rêu còn sót lại. Ý nghĩ này khiến khoảng trống trong lồng ngực Lam hơi đông lại. Cảm giác về cô gái mặc áo xanh bên cạnh bỗng chốc được nhúng màu quen thuộc, như hàng chục lần Lam đã xem đi xem lại bộ phim. Những suy tưởng miên man về cảnh quay yêu thích khiến Lam giật mình bừng tỉnh khi chiếc áo xanh chuyển động. Đôi mắt rộng màu xám tro soi chéo vào anh đầy thắc mắc. Nhận thấy dấu hỏi về sự khiếm nhã của mình trong đôi mắt ấy, Lam sửa lại tư thế ngồi, vờ như không để ý đến những giây phút lễnh loãng vừa qua.
Trong những chuyến đi, bao giờ Lam cũng tìm được cho mình một khoảng không gian im lặng sau những trang sách mà anh mang theo. Mùi giấy mới thơm tho luôn khiến anh cảm thấy an toàn. Lật giở từng trang sách, Lam không thể không nhận thấy rằng có một luồng sáng nào đó đang đốt cháy cái vật thể mà anh đang cầm trên tay. Luồng sáng ấy thơm mùi thiếu nữ, chiếu thẳng vào giữa trang sách, khiến những con chữ hoảng loạng nhảy nhót tứ tán. Các mạch máu nơi huyết quản anh căng dần. Ngón tay anh cố tìm sự bình tâm trong vô vọng, miết chặt một cách vô lý vào mép trang giấy mỏng tang. Một quyết định dứt khoát nhanh chóng được thực hiện, Lam xoay người hướng thẳng về chiếc áo xanh giờ đây đã ngay ngắn ở trục vuông góc với anh. Vẫn là đôi mắt rộng thênh thang không lay động nhìn về phía trước. Dưới thứ ánh sáng nhàn nhạt của khoang chứa, những đường nét trên khuôn mặt của cô gái hiện lên sắc cạnh, hệt như chiếc đầu tượng được trảm trổ một cách cầu kỳ. Tận dưới tầng đáy sâu của đôi mắt trên khuôn mặt ấy, sau một lớp sương mờ che phủ, Lam nhìn thấy một mặt hồ phẳng lặng. Vỏ bọc an toàn mà anh lưu giữ bấy lâu bị xé toạc bởi ánh nhìn xuyên thấu. Sự cô độc mà anh cất giấu dưới từng lớp bó cơ đang rỉ chảy ra ngoài. Từng chút một, rất chậm, nhưng không còn nằm trong tầm kiểm soát. Cảm giác chếnh choáng bất thần đổ ập xuống Lam, như thể có ai đó đã thọi cho anh một đòn chí mạng vào khoang ngực, rút đi hết tất cả sinh khí lưu giữ và nén đầy trở lại bằng sự bất an mơ hồ. Lam mấp máy môi định nói điều gì đó với cô gái nhưng không thể bật lên thành tiếng. Giống như trong những cơn mê chập chờn khi gần tỉnh giấc. Trong phút giây, Lam biết mình sắp hụt hơi.
Hồ như đã hết thích thú với trò chơi khám phá về những bí mật nơi Lam, chiếc áo xanh trở người xoay ra phía khung cửa sổ nhỏ xíu với mênh mang khoảng tối phía bên ngoài.
Chiếc máy bay vẫn lao vun vút đi trong không gian, để lại từng vùng không khí bị xáo trộn điên cuồng va đập vào nhau, tạo thành thứ âm thanh ầm ù khi dội ngược trở ngược vào thành vỏ. Hớp một ngụm nước nhỏ, Lam hài lòng khi người tiếp viên trưởng thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh. Chiếc áo xanh bên cạnh chìm trong trạng thái bất ổn như lần cất cánh ban đầu. Những ngón tay xanh trắng bám chặt, khuôn mặt lặng im và cánh mũi phập phồng. Cú tiếp đất khiến cho chiếc máy bay xốc lên một nhịp dài làm chiếc hộp gỗ nảy lên và lăn xuống dưới chân Lam. Như một phản xạ tự nhiên của người lịch sự, Lam cúi xuống nhặt cùng lúc với ánh mắt mở choàng và cái cúi người vươn tay về phía chiếc hộp của cô gái. Mùi thiếu nữ thơm dịu nhẹ, lan tỏa dần trong khoang hành khách với những tiếng người cười nói ầm ồ, tiếng thở ra nhẹ nhõm và tiếng lách cách bật khóa an toàn.
Ở khoảng cách gần nhất, hơi thở của họ chỉ cách nhau có 2 mi-li-mét. Sáu tiếng đồng hồ sau, cô gái rơi vào tình yêu với một người đàn ông khác. Tình yêu của cô gái mắt lé và chàng bác sĩ chân què.
29 ngày
Mar 25, 2010
29
Ngày còn bé, An thích đọc truyện tranh. Trong truyện tranh hay có các anh hùng tài giỏi giải cứu thế giới. Mà thế giới thì hay lâm vào nguy khó lắm. Nhưng thế giới thật ra sẽ chẳng bao giờ có ngày tận thế cả vì ở bất kỳ thời đại nào cũng sẽ có những anh Tu-xe-đô mặt nạ áo choàng phấp phới thoắt ẩn thoắt hiện hiện dưới thứ ánh sáng ma mị để giải cứu bạn Thủy thủ mặt trăng. Thủy thủy mặt trăng thì luôn luôn xinh đẹp. Hồi bé, An thấy Lam hay ước mình được như thủy thủ mặt trăng. Hồi còn bé, bạn gái nào mà chẳng thích mình được như thủy thủ mặt trăng. Bạn thủy thủ mặt trăng mà lớn bằng một nửa Lam hiện giờ thì sẽ được gọi là người đẹp, là chân dài. Mà chân dài, thì nhất định sẽ có đại gia đi cùng. Như đại gia cưỡi Lexus, xài Vertu vẫn đón đưa Lam mỗi chiều. An nghĩ, có bao giờ mình muốn ngồi trên chiếc Lexus và tí toáy bấm Vertu.
Thật ra, chỉ cần dắt cái xe cà tàng đạp một vòng Lương Văn Can, thế nào lúc về túi An cũng có vài cái Vertu, và biết đâu đấy, có thể là cả vài cái Lexus có in dòng chữ made in china nhỏ xíu dưới gầm xe. Phố Lương Văn Can là cả niềm mơ ước của An từ ngày còn bé. Mà ngày còn bé thì phố Lương Văn Can là niềm mơ ước của ối đứa thò lò mũi xanh bắn bi ném lon vỉa hè như An. Chỉ có Lam là chẳng bao giờ có niềm mơ ước đó. Nhà Lam là cả phố Lương Văn Can. Hai mươi mấy năm là biết bao nhiêu lần An dắt chiếc xe cà tàng đạp một vòng con phố ấy. Hai mươi mấy năm là biết bao nhiêu chiếc Lexus và Vertu đi qua cuộc đời Lam?
Bước đi trong cuộc sống, có đôi khi người ta bắt gặp những phép tính không có lời giải đáp. Hai mươi mấy năm là những phép cộng số lần An dắt chiếc xe cà tàng đạp một vòng để đi tìm chiếc đồng hồ màu nhiệm. An rất muốn ngồi Lexus, và xài Vertu. Nhưng An nghĩ kỹ rồi, An chỉ nên tìm được chiếc đồng hồ nước vào thoải mái, có mặt trắng và dây đeo màu đỏ đun mang về cho Lam. Như thể làm vậy là Lam sẽ đồng ý trả lại cho An một câu nói cũ kỹ. Như thể làm vậy An sẽ lấy lại được lời đã nói ra.
Hồi còn bé An từng nghe ai đó bảo lời đã nói ra như mũi tên lao vút đi từ cánh cung cong. Có cố gắng đến mấy cũng thật là khó để đuổi theo kịp mà lấy lại. Lam tin là như thế. Lam khiến An cũng tin là như thế. Thế nhưng An không tin là mình thôi không còn muốn nhìn thấy cái dáng gầy gò khẳng khiu của Lam vào những chiều chạng vạng nữa. Vào những chiều chạng vạng An hay bắt gặp Lam bên điếu thuốc Tatiana vị chocolate thơm ngọt ngọt. Lam từ lâu đã quen với những điều dịu ngọt. An thì chỉ hay mang đến cho Lam những điều có vị ra đi. Lam sẽ đi sau 29 ngày nữa. Đi đâu, An không biết. Thật ra, An cũng chẳng muốn biết. An chỉ cần biết làm cách nào để tìm được chiếc đồng hồ mặt trắng và có dây đeo màu đỏ. Thật ra, An chỉ muốn có ai đó đi ngang qua đây chỉ cho An biết cách để lấy lại lời đã nói ra.
28 ngày
Mar 25, 2010
28 ngày
An tự hỏi, 28 ngày thì có gì đặc biệt? Chẳng gì cả, ngoài việc An có cô bạn gái hôm nay cứ nằng nặc đòi An phải ngồi nghe về nỗi buồn 28. Thế nào là nỗi buồn 28? Nỗi buồn 28 là nỗi buồn 28. Nỗi buồn 28 là tiếng thở dài của một chân hơi dài tuổi đã thành 28 mà nụ cười đánh rơi mất ở tận cái thời 2 lần 8 mất rồi. An nghĩ, nụ cười của Lam bị đánh rơi ở khoảng đâu đó giữa tháng năm.
Tháng năm. Nghe như thể tháng năm cuộc đời. Nghe như thể là xa xôi lắm. Thảng hoặc trong những giây phút xa xôi, An thấy mình như phím Space trên bàn phím máy tính. Người ta hay dùng đến phím Space để tạo ra những khoảng trống dễ thở giữa những con chữ tuồng như vô cảm. Và chỉ có Lam biết hình thù của cái khoảng trống đó trên màn hình mà thôi. Lam thì giống với phím Escape hơn. Chỉ việc ấn nút là thoát ra được, chỉ việc ấn nút đã thành tự do. E s-c-a-p-e & S-p-a-c-e. Sự sắp đặt lại gần như hoàn hảo của những con chữ. Dù sao thì cũng đều là những nút phím cho ra các ký tự vô hình.
Có đôi khi An ước mình có cái áo khoác vô hình. Nghĩa là cứ khoác lên người thì An sẽ biến mất. Rất nhiều lúc trong cuộc sống An muốn mình được biến mất. Như khi ngồi nghe về nỗi buồn 28, như khi nghĩ về việc 28 ngày nữa, Lam sẽ ra đi.
Liệu lời nói đã ra đi có lấy lại được không?
-----------
27 ngày
An thức dậy khi tiếng chuông báo thức đổ dồn. Chiếc đồng hồ quên mất rằng hôm nay là ngày CN. Lam có rất nhiều chiếc đồng hồ làm việc cả vào ngày CN. Lam hay phàn nàn chiếc đồng hồ không hiểu rằng Lam chỉ thích nó làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 mà thôi. An hiểu, Lam không có nổi một chiếc đồng hồ biết nghỉ ngơi vào ngày CN, dù rằng nếu đem trưng bày những chiếc đồng hồ mà Lam có, chắc sẽ cần đến cả một gian hàng ở tầng 1 Vincom.
Những gian hàng ở tầng 1 Vincom hay có các cô gái mặc váy ngắn bó sát cặp giò trắng muốt, nhìn mông lung ra dòng người đi lại ngắm nghía phía trước tủ kính sáng loáng bày biện đủ thứ đẹp đẽ. Lam bảo, một cô gái chân dài đứng bên cạnh những tủ kính trong gian hàng đồng hồ là một hình ảnh đẹp. Như thể cô ấy đang đứng canh giữ thời gian. Như thể chỉ cần Lam muốn, cô ấy sẽ lấy ra một chiếc đồng hồ từ tủ kính và đem bán cho Lam rất nhiều những ngày đã qua. An chỉ thấy một cô gái chân dài thì đứng đâu cũng đẹp. An chỉ thấy rất nhiều ngày CN trong cuộc đời mình đã trôi qua bên ly cà fê.
Lam bảo, An như kẻ tha hương, cứ lang thang hoài trong những quán cà fê. An không thích cà fê. An đơn giản chỉ thích cái cảm giác như trong bài hát gì mà “sáng nay cà fê một mình, Sài Gòn chợt mưa chợt mưa”. Thật ra khi đi uống cà fê người ta nên đi nhiều mình. Cà fê nhiều mình khiến người ta mong muốn được trở về. Cà fê một mình chỉ cho người ta cảm giác muốn ra đi. An nhớ trong truyện Kitchen có đoạn nữ nhân vật chính ngồi trên một con tàu và nghĩ rằng mình có thể ngồi thế này và đi mãi. Nhưng cuối cùng thì vẫn quay về, bởi vì cô không chỉ có một mình. Hai người người trở lên đã là nhiều mình rồi. Nhiều mình bao giờ cũng khiến đôi chân ngần ngại bước đi.
27 ngày nữa, biết Lam có ngại ngần khi cất bước ra đi.
----------
26 ngày
Hà nội mùa này đầy nắng. Nắng thừa thãi đến mức chỉ cần giơ tay ra là An có thể vốc từng vốc, gỡ cho hết rối và bện lại thành những búi to. Vào những ngày thu hanh hao, An sẽ đem nắng ra phơi cho đượm gió, như thể trong bài thơ gì mà ”Chả bao giờ thấy nàng cười. Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên”. Trong những ngày xa xưa, An có thói quen treo nắng lên kín đầy gian gác bếp. Trong những ngày xa xưa, An luôn lo sợ vì mình không giấu đủ nắng để dùng trong những ngày đông giá rét tràn về.
Lam ghét nắng. Lam vẫn thường bảo cái nắng thiêu đốt của thành thị làm mắt Lam nhức nhối, làm da thịt Lam co rút và teo tóp lại. Khi nghĩ đến Lam, đến nắng, An hay liên tưởng đến một nhân vật trong truyện ngắn An đọc đâu đó trên mạng; một nhân vật kỳ quái với cái sáng kiến dìm chết mặt trời trong thau nước lạnh được pha trộn bởi đủ thứ hỗn hợp thuốc độc. Lam chẳng bao giờ đầu độc nắng. Lam chỉ thường bỏ ra đi cùng với gió mà thôi.
Hà nội mùa này không có gió. Muốn có gió, chỉ có đi về phía biển. Rất nhiều người xung quanh An đang lên kế hoạch cho một chuyến đi biển. Rất nhiều người xung quanh An đang lên kế hoạch để đi tìm chút gió mát cho cuộc đời mình. An vẫn thường ngồi đọc sách mỗi chiều ở biển. Rất nhiều buổi chiều trong cuộc đời An đã trôi qua khi ánh hoàng hôn trên biển cuối cùng cũng tắt lịm dần. Nơi An ngồi biển không có sóng. Nơi An ngồi biển chỉ có những đợt gió mát hiền hòa. Đã từ lâu, An trở thành khách quen của quán cà fê tên BIỂN. Như biển trong một bài hát xưa cũ “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về”. Biển vẫn nằm thờ ơ nơi cuối ngõ, như thể cuộc đời ngoài kia đã quên mất biển và cũng như thể biển đã lạc giữa dòng đời.
Tháng trước ông chủ quán vừa bỏ đi những chiếc quạt cây cũ kỹ để lên đời bằng chiếc điều hòa Toshiba. Mới coóng.
Đài vừa báo có đợt áp thấp nhiệt đới tràn về. Đêm nay, chắc Lam sẽ đến được nơi nào đó có biển. Lam có lần hỏi, tại sao đã từ lâu rồi, An thôi không còn ngồi bện nắng nữa. Rất lâu sau này, có lẽ là vào một ngày đầy gió, An sẽ nói với Lam biết rằng, "ngày Lam đến, là An đã thôi không còn cần đến nắng vào những ngày đông giá rét nữa rồi".
Gira
Jul 7, 2010
Lão Krappa già nặng nề đặt chiếc túi vải xuống nền nhà ẩm mốc và ngoắc tay gọi gã bồi bàn. Chặng đường di chuyển dài hàng triệu triệu xinti vừa rồi làm chiếc lưng gày còm của lão đau mỏi tưởng chừng như sắp gãy vụn. Lão cần một ly Litse mạnh để làm tê liệt cái cảm giác khó chịu này.
Lão là một Krappa, thuộc tổ hợp an-pha xanh, người du hành miệt mài qua những hành tinh để tiêu diệt Gira. Ngày càng nhiều số người bị mắc phải chất độc này, đặc biệt là các cô gái trẻ. Cũng thật dễ hiểu khi nó có một màu sắc dễ lừa phỉnh nhãn quan của những ai mới thoạt đầu tiếp xúc, một màu xanh biếc tươi mát với mùi hương ngai ngái không dễ chịu nhưng rất kích thích trí tò mò. Khởi nguồn gira chỉ là những hạt hơi nước vô hại có vị thanh mát tiết ra từ đất khi những con đom đóm đêm bắt đầu đập cánh đi kiếm ăn. Nhưng khi được phơi nhiều dưới ánh sáng ban ngày, nó sẽ bốc hơi và hòa vào những đám mây để từ đó trà trộn vào những cơn mưa bất chợt đổ ập xuống mặt đất. Và khi ấy, vị thanh mát ban đầu biến đổi thành vị mặn chát; những giọt hơi nước vô hại trước kia giờ cuốn theo hàng nghìn bụi kim loại nhỏ li ti sắc nhọn sẵn sàng ăn mòn bất kể vật thể nào tạo từ các bó cơ mà nó vô tình rơi phải.
Với triệu chứng đau nhức lưng ngày một trầm trọng, có lẽ đây sẽ là lần ghé chân cuối cùng của lão Krappa già đến hành tinh Beta-X. Lão chán ghét cái hành tinh này, đầy rẫy những kẻ ốm yếu bệnh tật. Lần trước khi đến đây, lão đã mất 2 ngày để hút sạch chất gira cho một cô gái mới 18 tuổi. Nhưng cuối cùng cô bé cũng không qua khỏi vì toàn bộ khối lỏng bên trong cơ thể đã bị ăn mòn hết. Chất gira một khi đã lan lên đến tận não bộ thì nỗ lực hút hết chúng ra chẳng còn ý nghĩa gì. Lão chợt thấy chóp đỉnh đầu nhói lên đau nhức. Những khuôn mặt của người bệnh loang loáng lướt qua. Những ánh mắt cầu khẩn lão giúp họ sớm kết thúc những chuỗi đau đớn do gira hành hạ. Những tiếng kêu gào khàn đục vướng mắc nơi cổ họng không thể thoát ra do cơn đau; những khuôn mặt vô hồn nhìn vào không gian một cách thất thần do bị chất gira điều khiển…Lão Krappa lắc mạnh đầu, ngửa cổ nốc cạn ly litse vừa mới được mang ra. Hơi cồn mạnh xộc thẳng lên não bộ, trước khi để lại dư vị cay xè nơi xoang mũi. Những ảo ảnh vụt biến mất. Như mọi khi, một ly Litse mạnh luôn có tác dụng với các ảo giác mệt mỏi chán chường do công việc đem lại.
2h xinti. Cô ả giúp việc với khuôn mặt béo phị nặng nề kéo chiếc cổng sắt han gỉ và ném cái nhìn soi mói vào lão Krappa già. Có chức năng là một chiếc máy quét, đôi mắt ti hí như sợi chỉ mỏng lướt một lượt qua gã, đồng thời phát ra những tín hiệu đòi hỏi việc xác định nhân dạng. Với một thái độ lịch sự tối thiểu, gã chớp mắt phát tín hiệu về phân khu vỏ ngoài não bộ, từ đó chuyển đi tín hiệu đáp trả lại thái độ tò mò đầy vẻ ác cảm của cô ả. Vài dòng thông tin tóm tắt được quét qua chóng vánh:
Tên: Krappa XXI*
Số hiệu hành tinh: Gamma liad
Tổ hợp: Anphaxanh
Phân khu: Krivat
(*Tất cả các Krappa đều không có tên riêng, chỉ được phân biệt với nhau bởi số hiệu La Mã đứng sau. Lão Krappa già thuộc về thế hệ thứ hai mươi mốt, Thời hậu thiên hà Anamous)
Phần kiểm nhận nhân dạng ban đầu chấm dứt. Khi quét đến cái cái dòng thông tin cuối cùng, sợi chỉ mỏng trên khuôn mặt béo phị dãn ra đôi chút, biểu thị chút nể trọng. Phân khu Krivat là một tấm huân chương cho tất cả các Krappa lão luyện đã trải qua nhiều năm xitin chiến đấu với gira và có đóng góp nổi bật đối với cả dải anpha trong vấn đề này. Không hề mảy may để ý đến thái độ đó, lão Krappa kéo cái lê cái túi vải của mình theo cô ả.
Những đồ đạc hình khối buồn bã hiện lên trên nền tối thẫm của không gian căn phòng rộng lớn bởi một vài tia sáng lờ mờ hắt qua tấm rèm cửa màu trắng khẽ lay động. Chính giữa căn phòng là một chiếc giường lùn bè được làm từ gỗ ụ đen bóng sậm. Một vật gì đó mềm mại như dải lụa nhưng dáng vẻ héo rũ vắt ngang giữa khung giường. Hít một hơi thật sâu, lão Krappa già đưa mắt ra hiệu cho cô ả giúp việc mang đến ánh sáng cho căn phòng để bắt đầu tiến hành công việc. Các rèm cửa ám bụi được kéo rộng về cả hai phía, nhường chỗ cho muôn vàn tia sáng bên ngoài ùa vào, nhảy nhót uốn éo thành những dải dài kỳ quái dưới mặt thảm sàn. Dải lụa trên giường động đậy, đồng thời phát ra tiếng rên khe khẽ báo hiệu sự đau đớn đã thức tỉnh trong cơ thể. Lão Krappa già im lặng quan sát và ước lượng. Một cô gái trẻ. Đôi mắt trũng sâu của nhiều đêm mất ngủ. Mớ tóc dài lưa thưa bết lại hai bên thái dương cho thấy nhiều lần chống cự lại với việc phát tác của chất gira. Hai cánh tay dài khẳng khưu duỗi hờ bên hông. Một cơ thể đang bị rút kiệt sức lực. Thời gian phát tác có lẽ chưa quá 5 tháng.
Tiến lại gần hơn, lão Krappa bắt đầu lôi ra từ chiếc túi vải những món đồ lỉnh kỉnh và ngồi xuống cạnh thành giường. Quá trình thăm khám vết thương diễn ra như mọi lần. Vết thương đã sưng tấy, ụ lại thành những mủ nước xanh thẫm. Vùng bị xâm nhiễm là khoang ngực. Chất gira xanh biếc đang đã ăn hết các bó cơ bên ngoài, bắt đầu tiến trình mài mòn các hốc xương. Một tín hiệu khả quan. Chỉ cần hút hết chất gira ra ngoài, đắp trở lại các hốc xương bằng thứ bột krilin dẻo là mọi việc sẽ ổn thỏa. Tuy nhiên, những bó cơ nơi khoang ngực thì đã vĩnh viễn mất đi. Không cách nào cứu chữa. Dù vậy, đối với một người nhiễm phải Gira 5 tháng, đây đã có thể coi là một may mắn.
Những việc sau đó diễn ra không quá khó khăn đối với một người đã nhiều năm kinh nghiệm như lão Krappa già. Chất gira được hút hết vào một chiếc bình thủy tinh có chứa những sợi nắng lấy trên biển Titana, có tác dụng phân hủy gira sau vài giờ xitin. Sau đó, bằng những động tác khéo léo nhất, lão Krappa nhồi trở lại khoang ngực người bệnh những dải gió được cất công lấy về từ cao nguyên Mya. Sẽ không thể được như những bó cơ cùng với hàng vạn nơ-ron cảm xúc, nhưng ít nhất, lão vừa mang lại cho người bệnh một cơ hội sống sót. Đôi mắt của cô gái vẫn nhắm nghiền, chỉ có hai bàn tay là co quắp lại khi những giọt gira cuối cùng được hút ra khỏi cơ thể. Trước khi rời đi, lão còn kịp nhận thấy những giọt nước tròn xoe lăn ra từ hai bên khóe mắt người bệnh, đọng lại trên đôi gò má khô khốc mấy giây xinti trước khi bốc hơi vào không gian.
Nhiều năm sau đó…
Hành tinh BetaX. Cô gái trẻ nắm chặt tay, giữ thăng bằng một cách khó khăn và bước từng bước men theo con phố dài với hàng cây rợp bóng. Hôm nay là một ngày đầu thu, từng đọt nắng vàng hanh hao xuyên qua những kẽ lá, tóe ra thành những đốm lửa li ti nhảy nhót trên hè đường. Vào những ngày như thế này, khoang ngực đầy gió của cô lại trở chứng khiến toàn thân cô đau nhức. Từng dải khí Mya chuyển động hỗn độn trong khoang lồng ngực, luồn qua các hốc xương bị tróc từng mảng bột Krilin và va đập tan tác vào màng chắn ngăn tim, tạo thành một sức ép nặng trĩu. Cô là một trong số ít người may mắn sống sót và bình phục sau khi bị chất gira xâm nhiễm. Nhưng cũng kể từ đó, hàng ngày, cô phải hứng chịu những cơn va đập vô cớ của gió Mya trong khoang ngực. Đau buốt và lăm le hất cô ngã đổ. Mỗi ngày là một cuộc chiến thật sự để giữ lại sự thăng bằng…
Hành tinh Gamma Liad.
Tổ hợp Anphaxanh.
Người ta đang làm lễ chào đón những đứa trẻ được tuyển chọn để đào tạo thành các Krappa thế hệ mới. Chất gira vẫn hoành hành khắp nơi, không có liều thuốc tận diệt. Trong một lớp học, chiếc túi vải cùng những món đồ lỉnh kỉnh bắt đầu được đem ra rao giảng. Phía cuối lớp, một Krappa non nớt đang chăm chút ghi chép bài học đầu tiên về thứ chất ăn mòn gớm ghiếc sẽ gắn bó theo mình suốt cuộc đời. Trên trang giấy trắng là từng dòng chữ nắn nót thẳng thớm màu mực đậm:
Giira là một loại chất ăn mòn….
…Tại một số nơi như hành tinh beta-X, nó còn được gọi với một tên khác thông dụng hơn: NỖI NHỚ!!!
Last day
Aug 22, 2010
Cuối giờ hôm nay ở lại muộn hơn thường ngày. Check lại hòm mail, lượt lại vài thư mục cá nhân để copy lại những thứ cần thiết. Thế là đã bắt đầu thu gom đồ đạc. Thế là đã bắt đầu thấm cái nỗi buồn của một kẻ sắp rời xa nơi chốn mình vẫn đi về trong 4 năm vừa rồi. Thật lạ là ngay kể cả với những điều mình luôn muốn sớm được từ bỏ thì khi sắp rời xa, cái cảm giác hụt hẫng vẫn trào lên trong lòng.
Này nhé, chỉ qua hết ngày mai thôi, nếu có muốn tạt qua chút ban trưa mà rủ vài người đồng nghiệp cũ đi cà phê cà pháo thì cũng chẳng thể xông thẳng vào building và bấm choách cái thang máy để đưa mình lên thẳng tầng lầu nữa. Đành ngậm ngùi bấm điện thoại rồi ngồi đợi ở tiền sảnh như mấy người khách lạ vẫn làm. Mà mình thì biết tỏng cái thói quen của lũ này rồi. Từ lúc bắt đầu "tớ xuống ngay đây" đến úc thang máy kính kong mở ra thì dài cả thiên niên kỉ.
Và rồi sẽ chẳng còn bao giời phải bực mình vì cái tòa nhà ki bo ngắt hệ thống đèn điện khu Toilet khi kim giờ chỉ đúng vào số 7 nữa. Chào nhé, sẽ chẳng còn những khi ngó ra ngoài cửa kính thấy hai hàng cột đèn được bật sáng mà phát hoảng. Rồi cuống cuồng chạy ra tri hô tất cả những kẻ điên rồ vẫn còn ngồi lại cống hiến cho cái lũ tư bản bóc lột sức lao động rằng thì mà là có ai trót dại uống nhiều nước thì nhanh nhanh lên, không thì xin mời đi giải quyết nhu cầu trong bóng tối mịt mờ. Mình bình thường chẳng sợ ma, thế mà có lần cũng đứng tim khi lom khom bên ngoài soi đèn điện thoại cho đồng bọn ở trong "trút bầu tâm sự". Cái ánh sáng yếu ớt từ chiếc mobil lởm hắt một vệt nhợt nhạt lên tấm gương rộng chỗ bồn rửa tay đã khiến máu đông cứng lại khi thấy cánh cửa ra vào chầm chậm mở ra mà mãi chẳng có ai xuất hiện. Rồi thì một cái đầu lòa xòa tóc thò vào. Hét lên một tiếng hãi hùng. Tiếng ri rỉ róc rách từ bên trong im bặt. Tiếng cái đầu vừa thò vào run run "ai đấy, ma ah?". Tiếng đứa đang cầm điện thoại ngắt quãng như hụt hơi "không phải ma đâu. Nhưng mà tớ léo đứng soi điện thoại nữa đâu". Có tiếng thở phào nhẹ nhõm rồi tiếng ri rỉ róc rách bên trong lại tiếp tục nốt đoạn cao trào. =)). Lần đó, có 2 đứa quên không rửa tay còn một đứa thì đấm bụng, thót một vài cơ quan nhịn về nhà giải quyết. =))
May nhất là không còn phải ngồi làm việc trong căn phòng làm việc ngập tràn ánh sáng này nữa. Phòng làm việc cửa kính to đùng, nhìn ra chỉ một màu xanh của cây lá choán hết tầm mắt. Ngay sát cửa sổ là mấy cành cây lòa xòa những chiếc lá mùa hè đã chuyển sang màu xanh đậm sau khi ăn no ánh sáng suốt cả một mùa nắng. Cảnh vật bên ngoài đổ nhào vào trong khuôn hình của cửa sổ, tạo thành một khung tranh theo nghệ thuật sắp đặt kì dị. Những cành cây chắc mập vươn mãi lên từ tấm thân gỗ loang lổ đốm đen và xám nhờ theo những hướng không xác định rồi đột ngột bị cắt củn lủn do phong trào "phòng chống mưa bão", để lộ cả thớ thịt gỗ trắng ngà đã dần chuyển thâm xì trông tội tội. Vào một ngày cách đây không lâu lắm, khi ấy cuối mùa sấu, vẫn thường có những cơn gió đầu hạ nổi lên vô cớ giữa ban trưa im ả. Từ chỗ ngồi nhìn ra, bỗng thấy khung cửa kính như được sơn bằng thứ màu sắc kì ảo. Ấy là màu lá vàng. Như thể bọn lá đã bàn bạc từ trước, chỉ đợi đến ngày khi có thằng gió phong lưu lướt qua là lũ lượt nắm tay nhau nhảy tung ra khỏi các nhánh cây. Và thế là có một cơn mưa đầu hạ. Mưa lá vàng. Những đám lá xoay tít trong không gian rồi nhẹ nhàng đặt mình xuống nền đường bụi bặm. Nếu tính mỗi thời kì của màu lá là một cuộc đời thì hẳn cái đám lá xanh phải ghen tị nhiều lắm. Bởi chúng cả đời cứ yên lành mà gắn chặt với cành cây. Lá vàng yểu mệnh, độ dài cuộc đời chỉ được đo bằng cơn gió. Ấy vậy mà tràn ngập tự do. Và nào ai biết định mệnh có thể cuốn nó đi xa cái cây đến nhường nào.
Và rồi mùa hè đến thật, được điểm báo bằng những nhánh phượng đỏ rực có thể nhìn ngắm thật rõ khi phóng tầm mắt chênh chếch góc phải cửa kính. Thỉnh thoảng, tự cho mình cái trò nhí nhố đo thời gian bằng hoa phượng. Nghĩa là từ khi chỉ là chấm đỏ lập lòe thấp thoáng ẩn hiện sau tán lá xanh, đến khi đỏ ối cả góc trời, rồi lại tàn lụi đi lẫn vào màu nâu xỉn của đám ngói trường học thì mình đã đi từ lần oánh giá này chuẩn bị sang lần oánh giá khác :D. Giữa những ngày hè Hà Nội như một chảo rang khổng lồ, khung cửa kính đem lại một ảo giác thi vị về một mùa thu thật mát lành. Không biết bao lần bị sếp chửi can cái tội rền rĩ khen "trời hôm nay đẹp quá" khi sếp mồ hôi nhễ nhại ngồi điều hòa vẫn phải quạt nan phành phạch vì vừa đi ăn trưa ở ngoài về. Cái nắng nóng tuyệt nhiên bất lực khi cố gắng truyền đến một thông điệp ghê rợn về nhiệt độ nào đấy qua tấm kính. Dĩ nhiên, ấy là bởi có sự giúp sực nhiệt tình của điều hòa ro ro mát rượi cùng với màu xanh bao tỏa hết cả khung cửa sổ. Mình nghĩ rồi, qua ngày mai, mình sẽ đề nghị với phòng vật tư nên bịt kín cái cửa kính lại hoặc chí ít thì cũng dán thêm một lớp giấy che bớt cái màu xanh ngoài cửa sổ kia đi. Có thế thì cái đám nhân viên vốn đã ham chơi lười làm việc mới tập trung vào chuyên môn, mới tận tâm mà cống hiến cho tư bản được. Haizzzz.
00:27. Chỉ còn một ngày hôm nay. Và rồi sẽ bắt đầu ở một nơi nào đó thật khác. Nơi không có tấm kính rộng với cây lá xôn xao.
Hình như có con ma
Aug 25, 2010
Cả tầng có 5 văn phòng thì 2 cái, một rất to, một rất nhỏ đều vừa chuyển đi nơi khác, chỉ để lại một đống rác gồm tả pí lù những vật dụng không còn sử dụng được. Từ bên ngoài nhìn vào qua tấm cửa kính choán hết mặt tiền, những đồ vật bị bỏ lại nằm vất vưởng hiện lên lờ mờ nhờ chút ánh sáng hắt qua tấm rèm kéo hờ nơi cửa sổ hướng ra phía mặt đường. Một chiếc ghế mất hẳn phần tựa lưng ngã sấp trên nền nhà như một con gián đang cố gắng vẫy vùng lật lại người để bỏ trốn; vài cuộn dây điện bò ngổn ngang như những dây leo dại và vô số những mảnh gỗ, giấy vụn vương vãi khắp nơi. Hết thảy đều bị bỏ rơi, trông thảm hại như những kẻ bị đày vào quên lãng.
Điều đáng nói là thang máy nằm trực diện với cửa vào 2 văn phòng mà giờ được tạm coi là bị bỏ hoang, đang trong giai đoạn chờ kết quả tốt lành từ bộ phận Marketing & Sales của tòa nhà. Nói thế thì các bạn cũng hiểu ra là, muốn đi đến được văn phòng làm việc của mình, em ko sao tránh khỏi việc bị cái cảnh vật tăm tối kể trên đập vào mắt, ngày qua ngày. Và 2 văn phòng này được nối với 3 văn phòng còn lại bởi một hành lang.
Hành lang hẹp, tường hai bên sơn trắng toát khiến khi mới thoạt nhìn, người ta có thể bị ảo giác là nó được kéo dài ra mãi. Màu sắc đơn điệu ấy gợi lên cảm giác trống vắng, hệt như hành lang bệnh viện trong phim tình cảm sướt mướt của Hàn Quốc, nơi có những cô gái xinh xinh, hiền lành, tốt bụng, được đại gia yêu thương nhưng không may mắc phải những chứng bệnh nan y. Tịnh không có một âm thanh nào lọt vào suốt chiều dài của cái ống trắng sâu hun hút ấy. Chỉ có tiếng bước chân của chính mình đập khe khẽ trên lớp thảm trải sàn. Những điều trên, hàng ngày vốn chẳng gợi lên điều gì với một đứa vốn vô tư, hiền lành như em. Em nhìn chỉ để nhìn thôi, vì làm gì còn cách nào khác, những cũng chẳng ngợi gì. Cho đến một ngày. Ngày ấy, vâng, đúng rồi, là ngày hôm nay.
Hôm nay, em về muộn. Ngoài trời, những cơn gió vẫn rú lên từng chặp,từng chặp liên hồi. Xuyên qua màn mưa dày đặc, có thể thấy cây cối nghiêng ngả oằn mình chống lại cơn thịnh nộ của trời đất mang tên Mindulle. Thảng hoặc, vài tiếng sấm từ đâu đó vọng lại, âm oang trong không gian, to dần rồi tắt hẳn, kéo theo những tia sét nhì nhoằng lóe sáng xẻ ngang bầu trời vần vũ. Ngại giời mưa đường xa ướt áo, em ở lại, đang vào mấy forum tán phét thì đột nhiên thấy nick của bạn Chính Sờ nổi lên vàng chóe. Chẳng nói ra thì ai cũng biết, bạn Chính Sờ em, thân hình đẫy đà, là đại gia mới nổi lên sau đận World Cup vừa rồi. Nghe em than về thời tiết, bạn Chính Sờ đưa tay gõ bàn phím: "Anh bây giờ giàu rồi, giời mưa léo bao giờ anh phải làm việc.Từ sáng đến giờ anh nằm nhà uống bia, xem "Sex & the City" đón bão về." Đấy, là đại gia có khác, miệng lưỡi có gang có thép, đâu có như em. Ở đâu em cũng chỉ là đứa mang phận làm thuê; ở đâu em cũng chỉ là đứa nhăm nhe lướt web. Font chữ màn hình chát của em đổ bóng nhỏ xíu trước cái font chữ to đậm màu tím hoa cà của bạn Chinhs. Dạo này, trên TV em thấy các cô người mẫu chân dài hay trình diễn áo váy màu tím. Dạo này, trên cơ quan em thấy các chị chân không dài cũng hay giở tìm những trang catalouge có bộ sưu tập màu tím thủy chung. "Em chỉ là nhân viên gương mẫu thôi mà". Em rụt rè. "Mày làm việc vất vả thế mà lương chẳng được bao nhiêu... ở lại muộn làm gì...Ở lại muộn thế...có mà chơi với ma...".Từng chữ hiện ra, đứt đoạn, nối với nhau bằng thứ dự cảm lo sợ mơ hồ.
Bạn Chính Sờ bình thường vốn kiệm lời. Nghe giang hồ đồn khi mới sinh ra môi bạn mím chặt, đến khi bà đỡ phát mấy nhát vào m.ô.ng thì bạn mới bật lên vài tiếng" thiên thượng địa hạ, nhất ngã đả phong", đoạn lăn ra khóc, đến khi mẹ bạn cho bú sữa bạn mới chịu nguôi. Ấy vậy nên khi bạn Chinhs Sờ phát ngôn ra điều gì, bạn bè chúng em đều ghi nhớ tâm can, ngụ thầm ấy ắt hẳn đều là lời vàng ngọc, sẽ có lúc hữu dụng. Lại nhớ bạn Chinh Sờ vốn giang hồ dọc ngang một cõi, khắp cái box Du Lịch, chẳng ai là không biết đến tên, chẳng topic nào muốn nổi mà lại không nhờ đến bạn vào hắng giọng cho vài post. Đổ đèo đêm, xuyên rừng, băng suối trong mưa bão với bạn ư? E chỉ là chuyện vặt. Thủng săm giữa nơi hoang vu chỉ cây cối và tiếng côn trùng rỉ rả ư? Còn việc nào khó hơn không? Trót giành bia của các bạn nên phải dừng lại mà ngậm ngùi một mình đi giải quyết giữa đêm khuya trời không trăng không sao ư? Điều đấy, bạn vẫn thường làm. Chừng ấy thời gian cùng những hiểm nguy rình rập, tuyệt nhiên chưa bao giờ bạn nhắc đến cái loài cao quý vừa nhắc ở trên. Con Ma. Bởi vậy mà lần này em hoang mang vô cùng. Là sao, là sao?
Các văn phòng xung quanh hẳn mọi người đều đã về hết. Ngoài hành lang không một tiếng động. Trong văn phòng, chỉ còn tiếng em gõ bàn phím lách cách vang lên lạc lõng trong căn trong căn phòng lạnh đến co rúm người vì điều hòa được chỉnh nhiệt độ thấp. Và rồi, theo một phản xạ kỳ quặc, em nhớ đến phim Mirror. Đây là bộ phim mà em sợ nhất. (Các bạn cứ thử tưởng tượng đang oánh răng mà tự nhiên trong gương có con ma nó giơ hai ngón tay và say "hi" thì có chết đứng không?). Nhìn quanh không có cái gương nào treo trên tường nên em khá yên tâm, vội vã tắt máy rồi thu dọn đồ đạc nhanh chóng chuồn khỏi văn phòng. Nói thì chỉ một câu thế thôi chứ các bạn biết rồi đấy, có biết bao việc phải làm, có biết bao cái công tắc phải tắt khi bạn là người cuối cùng ra về nơi làm việc. Quãng thời gian lò dò đảo một vòng quanh văn phòng thực hiện những việc trên đủ để em hình dung đến các bộ phim cùng họ với Mirror mang tên "Kinh dị". Cứ mỗi khi một công tắc được bấm, một chiếc đèn tắt phụt, một gian phòng đột ngột bị bóng tối nuốt chửng là trước mắt em một bộ phim với những cảnh tượng rùng rợn lại hiện lên.
Và rồi, khi chỉ còn một chiếc công tắc cuối cùng thì điện thoại bàn bỗng nhiên đổ chuông réo rắt. Liếc nhanh lên chiếc đồng hồ treo trên tường, em tin chắc không thể có thằng khách hàng điên rồ nào còn gọi đến giờ này. Da đầu em căng lên, có thể cảm nhận được mồ hôi đang rịn ra từ chân tóc. Đột nhiên, theo phản xạ có điều kiện nào đấy, em bắt đầu thở thật khẽ, đứng im mắt ngó trân trân vào chiếc điện thoại đang nhấp nháy đèn báo đỏ cùng từng hồi chuông đổ dồn mỗi lúc một gấp gáp hơn. 1 phút trôi qua. Thêm 1 phút nữa trôi qua. Điện thoại vẫn kêu và em vẫn đứng im một chỗ. Hai phút ấy, đủ để em nhớ đến chuyện của bác gì bên hải ngoại họ Nguyễn tên Ngọc Ngạn, tự là Ngạn MC. Chuyện rằng, ông Thọ lái xe bus có người hành khách quen thuộc là cô gái tên Vân. Ông Thọ chết. Cô Vân sang Canada. Một lần khi "Ở nhà một mình" thì chuông điện thoại reo. Cô Vân nhấc máy. Tiếng người đàn ông khàn khàn văng vẳng như từ đâu đó xa xăm vọng về: "chào cô Vân. Tôi là Thọ đây". Đấy, hai phút nhưng số lượng hình ảnh lướt qua não bộ em là hơi bị nhiều. Nó vẫn kêu và em vẫn đứng nhìn. Và rồi, em quyết định: Nhấc nó lên. Thế nhưng đáp lại tiếng "Alo" của em chỉ là sự im lặng miên man. Em vẫn nghe và nó vẫn im lặng. Thêm một phút trôi qua. Rồi, thật nhanh, em dập máy và ù té chạy, suýt thì quên không dập khóa cửa.
Các văn phòng bên ngoài tối om không ánh điện, chỉ còn hành lang dài vẫn sáng quắc và trắng toát hai bên tường. Em rảo bước thật nhanh. Không, em chạy. Lần này thì thật sự là có ai đó đang kéo dài cái hành lang thêm ra mãi. Tiếng bước chân em vang lên, đập vào những mảng trắng bao quanh và dội ngược trở lại, hòa quyện cùng hơi thở sợ hãi gấp gáp tạo thành âm thanh rờn rợn nghe lạnh xương sống. Cuối cùng thì em cũng đã đến được cửa thang máy. Khung cảnh tối tăm của 2 văn phòng bị bỏ trống nằm phía sau lưng hiện lên nhợt nhạt nhờ ánh sáng từ hành lang hắt vào. Những đồ vật nằm vất vưởng bị bỏ rơi kia giờ đây được phản chiếu lờ mờ lên tấm kim loại sáng bóng làm cửa thang máy, tạo thành những hình thù méo mó kì quái trông thật ghê rợn. Trong đầu em, 1 sự lựa chọn đầy khó khăn được đưa ra: chạy cầu thang bộ hay tiếp tục đợi thang máy? Đúng lúc em chưa biết phải làm sao thì sau một tiếng "kính kong", tấm kim loại tách làm đôi, những hình thù kì quái dần tan biến. Chưa bao giờ em lại cảm thấy mong muốn có người đi cùng thang máy đến thế. Nhưng đáp trả lại sự mong đợi của em chỉ là một khoảng trống lấp đầy cái hộp kim loại hình chữ nhật đưa người ta lên và xuống theo phương thẳng đứng. Chỉ đến khi bấm nút đi xuống, em mới chợt nhớ ra là mình đã trót xem phim "the Eye", có cảnh cô gái nhìn thấy hồn ma treo cổ trong thang máy. Em đứng nép sát vào một góc, thầm hy vọng có ít người thì trọng lượng nhẹ và em sẽ được tiếp đất nhanh hơn mọi khi. Hàng thiên niên kỉ trôi qua. Khi tiếng "kính kong" tiếp theo vang lên, em thật sự thở phào nhẹ nhõm khi thấy bóng vài chú bảo vệ đang ngồi tán phét phía bên ngoài. Em lấy xe, nhanh chóng phóng về nhà. Về đến nơi, thấy bố em đang ngồi xem TV. Kênh HBO đang chiếu phim Unborn.
Rùa có thể bay
Sep 1, 2010
Hôm nay các bạn có xem chương trình thời sự trên VTV không?
Vào khoảng 7h30, ấy là thời điểm của bản tin thế giới. Ấy cũng là lúc Star Movie, HBO hay chiếu những bộ phim hấp dẫn của Holywood. Và vì thế nên em chẳng mấy khi biết thế giới xung quanh nó đang diễn biến thế nào, Hàn với Triều Tiên oánh nhau chưa hay Amadinejad đã cho phóng thử mấy quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân rồi. Em hoàn toàn mù tịt. Và thú thật là thường thì em chẳng mấy buồn bã vì điều này, dù cũng có đôi khi ăn cơm no ngồi xỉa răng, trong đầu em cũng có dấy lên vài câu hỏi kiểu như "Bangkok đang oánh nhau thế thì cái vẻ giá rẻ book của airasia phải làm sao bh? Đi hay ko đi?" Và rồi chưa đưa ra được câu trả lời thì em đã lại chìm đắm trong mấy bộ phim của Star Movie, của Cinemax...
Nhưng hôm nay thì em ngồi xem thời sự. Bởi vì các kênh phim đều rất chán.
Và vào khoảng 7h30, người ta bắt đầu nói về cuộc chiến Iraq, về những đoàn lính Mỹ cuối cùng rời khỏi đất nước này sau 7 thăm tham chiến. Em dốt về tình hình an ninh thế giới nên câu truyện về lính Mỹ và chiến tranh Iraq em không dám bàn đến nữa. Chỉ là, những hình ảnh về một đất nước hoang tàn đổ nát khi đi qua 7 năm không ngừng tiếng súng, cùng với cái gọi là chiến dịch "Bình minh mới" mà nước Mỹ hứa hẹn sẽ mang lại trong tương lai cho người dân nước này chợt khiến em nhớ đến một bộ phim mang tựa đề "Turtles can fly" do Iran và Iraq hợp tác sản xuất.
Lấy bối cảnh là vùng giáp ranh biên giới giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm một tuần trước khi quân đội Mỹ đổ bộ vào Iraq, bộ phim xoay quanh cuộc sống của những người dân bản địa cũng như những người di cư từ các vùng lân cận đến đây để tránh một cuộc chiến tranh mà chưa biết ai đúng ai sai giữa Saddam Hudssen & G.Bush. Đóng vai trò là nhân vật chính dẫn dắt các tình tiết của bộ phim,cậu bé với biệt danh "Vệ tinh" hàng ngày vẫn đi chỉnh sửa ăng ten thu phát truyền hình cho người dân, một công việc rất được coi trọng và đòi hỏi rất nhiều công sức. Và cậu bé này "yêu" say đắm Argin, một "thiếu phụ" mang ánh mắt chất chứa những nỗi đau không thể hàn gắn trong thân thể một cô bé có khuôn mặt ngây thơ tinh khiết. Bằng các mối quan hệ xung quanh lòng ngưỡng mộ mà Vệ Tinh dành cho Argin, cuộc sống của một khu trại người dân di cư tị nạn nơi vùng biên giới dần được hiện lên. Một ngôi làng với những vị chức sắc hoàn toàn mù tịt về thông tin, lạc hậu, bịt mắt không dám nhìn khi TV chiếu cảnh các cô người mẫu. Một Hergov tàn tật với những sợi dây nối tâm linh kỳ lạ, một Riga với đôi mắt mù lòa luôn mở to nhìn thẳng vào thế giới xung quanh và không ngừng thể hiện tình yêu với người mẹ đẻ luôn hắt hủi mình. Cùng rất rất nhiều trẻ em vô tư nhìn cuộc sống qua những gùi mìn nặng trĩu trên vai mà chúng vẫn hồn nhiên đi gỡ để bán lấy tiền đổi lấy miếng ăn hàng ngày. Họ cứ thế sống, tiếp nhận cuộc chiến một cách tự nhiên như thể cuộc chiến là đương nhiên không cách nào khác được. Không cố chen vào những cảnh súng nổ cùng bom mìn hoành tráng nhưng những gì đạo diễn muốn nói về cuộc chiến Iraq, ngay từ khi nó chưa bắt đầu chắc sẽ luôn nằm lại đâu đó trong trí óc em, rất lâu về sau này... Có không ít điều để nói về bộ phim, nhưng đấy là công việc của những nhà phê bình nghệ thuật. Còn em chỉ muốn gợi ý rằng nếu có bạn nào không đi đâu dịp 2/9 này thì nằm nhà xem phim cũng là một thú vui. Và "Turtles can Fly" chắc không làm các bạn thất vọng. Thật đấy!
Phòng tranh
Căn phòng rộng với ánh sáng êm dịu lấp đầy. Trừ mặt trước với cửa kính rộng cỡ năm người lớn xếp hàng, ba mặt còn lại đều được sơn trắng. Trên tường, người ta treo cách quãng những bức vẽ phong cảnh với chất liệu sơn dầu quen thuộc. Chính giữa căn phòng là một cột trụ hình vuông, được dựng nên bởi bốn bức tranh khổ lớn vẽ đám dây leo uốn lượn kỳ quái, quấn thành nhiều vòng quanh những con mắt được tô đậm một màu lá cây xanh thẫm với tròng đen mở lớn, nhìn thẳng về phía trước. Một chiếc bàn mặt kính với khung sắt giản tiện kê gọn gàng trong góc trái, nơi từ đây có một cánh cửa gỗ nhỏ sơn trắng, dẫn ra xưởng tranh phía sau của gallery.
Căn phòng được lấp đầy bởi những con người dịch chuyển với tốc độ đều đều. Cô gái mặc bộ vét xám lịch thiệp tên Hân không ngừng tươi cười giới thiệu với khách xem về chất liệu các bức tranh, đồng thời đưa ra những gợi ý phối cảnh đầy hiểu biết cho ngôi nhà của họ. Những cái gật đầu hài lòng về nội dung của bức vẽ. Những mức giá được đưa ra. Một vài bức tranh được gỡ xuống để chuyển đi, tạo thành những khoảng trống trên tường mà không lâu sau đó sẽ được lấp đầy trở lại bằng một tác phẩm khác. Bộ sưu tập đang được bán đi một cách tốt đẹp, tiền hoa hồng theo thỏa thuận đang vô hình dầy lên trong chiếc túi xách nhỏ của Hân. Hai mươi tư tuổi, tốt nghiệp đại học mỹ thuật, sau hai năm ra trường đã được quản lý một phòng tranh có tên tuổi trong thành phố, mọi việc dường như đang diễn ra rất thuận lợi. Hân có con mắt nghệ thuật sắc sảo, khiếu sử dụng ngôn từ linh hoạt cùng khuôn mặt xinh xắn khiến cho không ít lần cô giới thiệu và bán đi được những bộ tranh của họa sĩ chưa có danh tiếng. Cô luôn biết cách tìm ra được những tài năng vẫn còn ẩn náu và thuyết phục họ về làm việc cho xưởng tranh của gallery. Những anh chàng sinh viên hoặc vẫn đang theo học, hoặc mới tốt nghiệp ra trường, tràn đầy nguồn năng lực sáng tạo với khát khao thể hiện mình được đặt lên trên vấn đề tiền bạc. Họ có một thời gian biểu làm việc khá thoải mái, đến và đi khỏi xưởng vẽ phía sau gallery lặng lẽ tùy thuộc vào cảm hứng. Có những khi xưởng vẽ chong đèn suốt đêm. Nhưng những yêu cầu Hân đưa ra về số lượng và chất lượng của bức vẽ luôn được đảm bảo, cùng với đó là khoản thù lao đủ để cuộc sống sinh viên được đầy đủ tiện nghi.
Đúng 7h, gallery đóng cửa. Nơi chiếc bàn mặt kính góc trái căn phòng, khuôn mặt xinh xắn của Hân lấp ló sau màn hình máy tính Apple đời mới. Cô đang ngồi nhập lại số liệu các bức tranh được bán đi trong ngày. Những con số khả quan, hứa hẹn về một gallery của riêng mình trong một tương lai không xa. Khoảng 7h30, Lâm sẽ đánh xe qua đón cô và họ cùng đi ăn tối. Mới ngoài 30 nhưng Lâm có được vẻ đĩnh đạc của một người đàn ông từng trải và thành công trong sự nghiệp. Có không ít các cô gái theo đuổi nhưng Lâm đã chọn Hân, nhờ một lần tình cờ họ gặp nhau tại buổi ra mắt triển lãm tranh của một người bạn học, một họa sĩ tên tuổi mà Hân được chọn làm đại diện. Là những người thực tế và biết rõ đối phương, họ không chơi bài vòng vo với những hẹn hò. Chỉ 2 tháng sau lần đi ăn tối đầu tiên, Hân dọn về ở chung cùng Lâm trong căn hộ chung cư tiện nghi nơi phía tây ngoại ô thành phố. Công việc bận rộn khiến cô thường xuyên về muộn. Lâm điềm tĩnh và chẳng mấy khi phàn nàn. Cuộc sống cứ thế trôi đi, như sự thể chẳng cần phải thay đổi. Nhưng giờ đây cơ hội để Hân có thể tự mở phòng tranh của riêng mình sắp đến gần, và họ bắt đầu nghĩ đến một tương lai ổn định hơn. Viễn cảnh với một đám cưới sang trọng xuất hiện đâu đó trong những mẩu đối thoại giữa hai người.
Khuya. Bầu trời sẫm xanh treo lơ lửng vài mảnh sao chiếu sáng lờ mờ. Trên con đường cao tốc phía dưới chung cư, từng vệt đèn xe nuối đuôi nhau không ngừng chuyển động, hệt như những cái bóng mất ngủ lờ đờ trôi. Thảng hoặc, đâu đó cất lên tiếng mèo kêu ghê rợn, kéo theo những âm thanh hỗn loạn của sự cấu xé vật lộn, rồi sau đó tất cả lại rơi vào im lặng, trả lại sự yên bình cho màn đêm đang bao trùm lên thành phố. Tiếng chốt mở cửa vang lên khe khẽ khiến Hân cựa mình tỉnh giấc. Chiếc gối bên cạnh bỏ không, vẫn còn ấm hơi người nằm. Bóng Lâm xanh tái ngoài balcon, đốm sáng của đầu điếu thuốc lập lòe như con đom đóm đi lạc trong đêm. Dạo gần đây Lâm thường xuyên mất ngủ. Hân lờ mờ nhận thấy sự bất an trong giọng nói Lâm khi đề cập đến tương lai của họ. Anh đề nghị Hân dành nhiều thời gian hơn cho hai người và dự định thu xếp một chuyến đi nghỉ xa. Công việc với bộ sưu tập mới gần như đã hoàn thành, Hân đồng ý đê Lâm đặt vé bay đến một thành phố biển. Chỉ còn một mối bận tâm duy nhất mà Hân cần phải thu xếp cho ổn thỏa trước khi tạm rời bỏ chuỗi công việc bận rộn. Cuộc triển lãm tranh cho anh chàng họa sĩ trẻ đầy tài năng của xưởng vẽ đang đến gần nhưng chủ nhân của những bức vẽ đột nhiên biến mất. Những nỗ lực liên lạc của Hân gần như rơi vào tuyệt vọng.
21 tuổi, Phan là sinh viên mỹ thuật vừa tốt nghiệp ra trường. Nhờ có Hân, một vài bộ tranh của Phan đã được giới thiệu thành công. Giờ đây, họ đang phối hợp để chuẩn bị cho ra mắt một bộ sưu tập mới. Trong số những cộng tác viên của xưởng tranh, Phan là người ít nói, hầu như xa cách với mọi người xung quanh. Chỉ có duy nhất Hân là người tiếp cận được với chàng thanh niên trẻ này. Họ có chung quan điểm về nghệ thuật nên công việc được trao đổi một cách dễ dàng. Những yêu cầu mà Hân đưa ra luôn được Phan thực hiện một cách hoàn hảo. Nhờ những mẩu đối thoại rời rạc với Phan trong những lần họ ở lại gallery muộn, Hân biết được Phan có rất ít bạn bè với một cuộc sống sinh viên bình lặng. Chưa từng ngỏ lời yêu một cô gái nào, Phan sống khép mình trong căn phòng nhỏ của người họ hàng cho ở nhờ. Ký ức giống nhau về tuổi thơ vất vả khiến giữa Hân và Phan dần đan lên một mối cảm thông nhẹ nhàng. Họ gần gũi theo một cách đặc biệt, với những quan hệ cá nhân không cần giấu giếm. Dạo gần đây Hân nhận thấy Phan gầy đi nhiều, ánh mắt lộ vẻ mệt mỏi xen lẫn thảng thốt chìm sâu. Một tối, Hân bắt gặp dáng Phan ngồi tĩnh lặng trước khung tranh trống rỗng, bên tách cà phê đã cạn còn loang lổ vệt nâu nhạt nơi đáy cốc. Hệt như một bức tranh tĩnh vật đượm sắc xám tro. Đáp lại những câu hỏi lo lắng của người quản lý gallery, Phan lơ đãng đưa mắt nhìn vào một điểm vô định nào đó phía trên chóp đỉnh đầu của Hân, nhẹ nhàng cho biết mình vẫn ổn và nhắc cô nên dành nhiều thời gian hơn cho người bạn trai cùng chuyến đi nghỉ dài sắp tới.
Hân thoáng buồn rầu khi nghĩ đến hai người đàn ông gần gũi với mình, họ hầu như luôn có sự nghi kỵ và đề phòng lẫn nhau. Ngay từ đầu Lâm đã bày tỏ thái độ không thiện cảm với Phan. Lâm vẫn nhắc về sự bất an mơ hồ bao trùm lấy người họa sĩ trẻ, cho rằng đó là một trạng thái nguy hiểm rất dễ lây nhiễm nếu Hân cứ tiếp xúc ngày này qua ngày khác. Còn Phan thì nhìn thấy ở Lâm một đôi mắt lọc lõi xuyên thấu, nhăm nhe xé toạc vỏ bọc của người đối diện khiến họ luôn phải canh chừng. Trừ một vài lần tổ chức tiệc tranh mà Hân đứng ra chủ trì, Phan và Lâm dường như không bao giờ muốn giáp mặt với nhau. Những khi Hân phải ở lại xưởng tranh muộn, Lâm kiên nhẫn ngồi trong ô tô phía bên ngoài chờ đợi. Một đôi lần khi Hân nhờ chở về căn hộ chung cư, Phan luôn từ chối lời mời lên chơi, chỉ tỏ ra lơ đãng và hờ hững ngước mắt nhìn theo bóng Hân bốc dần lên cao theo tháng máy rồi phóng xe lao vút đi. Một cách tế nhị, trong những câu chuyện với Hân, họ rất tránh các chủ đề chạm đến người kia, để cho cô khỏi vướng phải sự khó xử không cần thiết. Có lần, Hân đã chủ động tổ chức cuộc hẹn giới thiệu cho Phan một người bạn gái với sự góp mặt của cả Lâm. Khoảnh khắc bất ngờ giáp mặt nhau trong bữa ăn, cả hai người đều ném về phía Hân ánh nhìn thảng thốt, giận dữ xen lẫn buồn rầu. Bữa ăn diễn ra gượng gạo. Suốt buổi Lâm chìm trong những suy nghĩ tĩnh lặng. Ngược lại, Phan sốt sắng một cách thái quá với việc tìm kiếm những sở thích chung giữa anh và người bạn gái của Hân. Đó là lần duy nhất kể từ ngày quen nhau, Lâm nổi cáu. Cuộc cãi vã diễn ra trong căn hộ chung cư. Sau hôm đó, mọi việc tiếp tục trôi đi bình lặng. Nhưng dường như, phía bên dưới lớp mặt yên ổn kia, Hân lờ mờ nhận thấy mọi thứ bắt đầu thay đổi.
5 ngày trước kỳ nghỉ. Vẫn không có tin tức gì từ Phan. Dường như bằng cách nào đó, chàng thanh niên đã tan lẫn vào không khí. Mọi nỗ lực liên lạc đều không có tín hiệu trả lời. Người họ hàng cho biết Phan đã dọn ra ỏ ngoài đi từ nửa năm nay. Bằng tất cả sự khéo léo và kinh nghiệm của mình, Hân thu xếp ổn thỏa sự thế chỗ cho một bộ sưu tập khác. Lâm không mảy may bận tâm khi Hân đề cập đến khó khăn mà Phan để lại, cũng chẳng tỏ ý phàn nàn khi phải đợi đến quá nửa khuya để đón Hân về từ gallery. Chỉ có những đốm sáng đầu mẩu thuốc lá cháy trên tay anh nhiều hơn. Đôi mắt ngày một thẫm sâu, trầm lặng. Có đôi khi, nửa đêm tỉnh giấc, nhìn bóng Lâm bên ngoài balcon, Hân đã thoáng giật mình khi thấy anh ngày càng giống một bức tượng được đẽo gọt kỳ công. Khoang bụng của Hân thoáng quặn lên đau buốt. Cảm giác xa cách vô hình giữa cô và Lâm dạo gần đây ngày một trở nên rõ rệt. Hồ như mối quan hệ này đang bị bóng tối dần nuốt chửng. Chậm rãi, nhưng không thể cưỡng lại được. Đã có lúc thử nhìn xoáy sâu vào đôi mắt của người yêu, Hân cố tìm kiếm một bóng dáng khác thay cho lời giải đáp. Không gì cả. Đôi mắt rộng ấm lên chân thành, trấn an những hoài nghi.
Chiều muộn. Hân vội vã đón chiếc taxi về chung cư để cùng Lâm kịp ra sân bay. Đề nghị tài xế hạ thấp cửa kính, Hân để mặc cho những làn gió ngược chiều thổi thốc vào mặt mình. Những làn gió mang đầy hơi nước. Đài báo sắp có cơn bão tràn về. Dự cảm lo âu mơ hồ xuất hiện. Cuộc sống đang trôi đi với những màu sắc dần trở nên quen thuộc. Vì đâu mối quan hệ của cô với Lâm ngày càng nhuốm màu lo âu? Dòng suy nghĩ miên man bị cắt đứt bởi tiếng chuông điện thoại đổ dồn. Là Phan. Sự im lặng xen lẫn giận dữ. Cảm giác tủi thân dâng trào. Từ đầu dây bên kia, tiếng Phan cất lên khó nhọc. Lời xin lỗi. Miền Nam. Thành phố mới. Công việc hứa hẹn tương lai sáng lạn. Những mẩu thông tin lướt qua tai Hân. Rời rạc như rơi rớt từ đâu đó vọng về. Giọng nói của Phan dần lùi xa: “Suy cho cùng, khi còn trẻ, người ta vẫn còn cơ hội để được sống thành thật với chính mình, phải không Hân?”
Căn phòng im ắng, dáng Lâm ngồi bất động bên mép giường. Valy xám tro nằm ngay ngắn trên sàn nhà bằng gỗ. Trong Hân tràn ngập nỗi bất an. Chỉ khi bước lại gần và đưa tay chạm khuôn mặt của người yêu, Hân mới hoảng hốt nhận ra rằng, hai hốc mắt trũng sâu nhiều đêm mất ngủ của Lâm ngập tràn nước. Mọi vật như biến hình, đảo lộn và xoáy tung trước mắt. Lâm đỡ Hân ngồi tựa vào thành giường, đưa tay lấy ra từ túi áo một chiếc bưu thiếp hình những khối tĩnh vật nhiều màu. Dòng chữ của Phan hiện lên run rẩy.
“Hân là một cô gái tốt. Cô ấy xứng đáng được nhiều hơn thế này, đúng không Lâm? Hãy để cho cô ấy được biết sự thật về mối quan hệ của hai chúng ta, cô ấy biết sẽ phải làm gì. Suy cho cùng, được sống thành thật với bản thân, với người mình yêu luôn là một điều hạnh phúc, phải không?”
Không nhớ bằng cách nào Hân đã để cho Phan rời khỏi căn hộ chung cư. Dáng Phan kéo lê chiếc valy xám tro dần khuất vào trong bóng tối. Phía ngoài kia, cơn bão đang bắt đầu thật sự tràn về.
Subscribe to:
Posts (Atom)